Năm 15 tuổi, Nguyễn Sinh Cung cùng cha, mẹ và
anh Khiêm vào Huế; năm 18 tuổi (1908), Anh tham gia các cuộc biểu tình chống
thuế của nông dân tại kinh đô Huế. Năm 1910, trong tên gọi Nguyễn Tất Thành,
trên con đường mở mang tầm nhìn, khao khát con đường cứu nước, Bác của chúng ta
dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ngôi
trường do các sĩ phu yêu nước ở đây lập ra nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân ở
Trung Kỳ do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Ngày
5/6/1911, tại bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
xuống tàu biển sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra
nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào,
tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”(3).
Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước,
Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân
và nhân dân lao động châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Á. Với sự thông minh, mẫn
tiệp, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu
nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng
tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa
duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách
mạng Pháp, Anh, Mỹ…
Ở Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn
Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles (1919); viết
Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (tức Quốc
tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đương
nhiên, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920); sáng lập báo Người
cùng khổ (Le Paria, 1922), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người tuyên bố sứ
mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Hơn 10 năm ở trời Tây, vừa vất vả lao
động kiếm sống, vừa đau đáu tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân, Văn Ba - Nguyễn
Ái Quốc càng nhận thức rõ: chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những
kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng
lớp khác ở cả thuộc địa và ở ngay chính quốc.
Theo Người: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa
yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lenin, tin
theo Quốc tế thứ Ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận
Marx - Lenin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và
những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” . Người khẳng định: “Muốn
giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi
của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc. Điều này, rất khác
với quan điểm của Phan Bội Châu, của Phan Chu Trinh; vượt qua những giáo lý
Khổng, Mạnh hẹp hòi, duy tâm; vượt qua sự hạn chế của chủ nghĩa yêu nước đã khá
lỗi thời của các sĩ phu phong kiến và các nhà cách mạng có xu hướng dân chủ tư
sản, tiểu tư sản đương thời.
Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa
cộng sản khoa học, chủ nghĩa Marx - Lenin. Người bắt gặp, đón nhận Luận cương
về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I. Lenin, và sự kiện này không hề là
ngẫu nhiên, may mắn. Đó là một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách
mạng. Chính Phan Châu Trinh, trong một bức thư đề ngày 18/2/1922 gửi từ
Marseille cho Nguyễn Ái Quốc đang ở Paris, đã viết: “Thân tôi tựa như chim
lồng, cá chậu… Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn
cũng phải gào cho hả, may ra có tỉnh giấc hồn mê”. Cuối thư, Cụ ví Nguyễn
Ái Quốc “như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hành, lý thuyết
tinh thông… không bao lâu nữa cái chủ nghĩa anh tôn thờ (ý nói chủ
nghĩa Marx - Lenin) sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sỹ nước ta”
Sau nhiều năm
bôn ba khắp năm châu bốn bể, Người lại trở về với nhân dân mình, dân tộc mình, thành
lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lập nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; làm nên
một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo những tiền đề
quan trọng cho trân “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà
Nội, cho Đại thắng mùa xuân 1975 hội tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên
vàng. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh,
phong cách Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh. Người là đóa sen đẹp nhất của
dân tộc Việt Nam và là đóa sen thanh cao, mẫu mực của nhân loại.
Năm 1987, Đại hội đồng UNESSCO lần thứ 24 tại Paris, nước
Pháp đã ra Nghị quyết 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch
Hồ Chí Minh vào năm 1990, đúng 100 năm Ngày sinh của Người, vinh danh Người là
“Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới” (1). Nhưng 64
năm trước, năm 1923, nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenstan đã viết về Nguyễn Ái Quốc
- tên Người lúc đó, trên tạp chí Ogoniok, số 39: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra
một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của
tương lai”… “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử
chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai,
thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như
đại dương” .
Dẫu bôn ba bốn biển năm châu, dẫu xa quê khi
còn rất trẻ, Người luôn yêu quý, luôn khắc khoải về đất nước, quê hương. Người
nhớ nằm lòng nhiều làn điệu hát ví, hát giặm, hát phường vải của quê nhà. Người
sử dụng rộng rãi, linh hoạt, tài tình các thể loại văn học truyền thống, các
hình thức sinh hoạt văn hoá dân dã như tập Kiều, lẩy Kiều,vịnh Kiều, tập cổ,
thơ lục bát, thơ tự vịnh, thơ cổ điển, thơ mừng tuổi, thơ chúc tết, chúc thọ.
Người ưa lẩy Kiều và đã vận dụng nghệ thuật dân gian này đến độ sáng tạo, tinh
tế. Người không nhận mình là một nhà thơ, nhà văn “Ngâm thơ ta vốn không ham”...
Người làm thơ, viết văn, viết báo, chụp ảnh, ký hoạ có khi là để mưu sinh,
nhưng cao hơn là để phong phú hóa, thanh bạch hóa cuộc sống thường nhật gian
khổ, khó khăn của mình, là để phục vụ cách mạng.

Trong thơ văn, Người hay dùng tục ngữ, ca dao,
dân ca, lối nói ví von, so sánh sinh động, dễ hiểu của nhân dân lao động. Người
yêu mến và say sưa nghiên cứu các tác phẩm văn chương cổ điển của Việt Nam,
Trung Quốc, Pháp và các nước khác. Người nhắc nhở mình và mọi người “Nay ở
trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Văn chương, thơ
ca của Người giản dị, chân chất, nhân văn như tính mộc mạc, đằm thắm của người
Nghệ, lại có cái sâu sắc, thâm thuý, uyên bác của các nhà hiền triết phương
Đông, phương Tây; cổ điển và hiện đại, xứ sở và dân tộc, bình dân và bác học...
hoà quyện một cách nhuần nhuyễn, sống động, tài tình.
Nguyễn Đăng Toản